Hành động cúi chào có vai trò quan trọng trong văn hóa của người Nhật, thể hiện sự tôn trọng với người khác.
Người Nhật không bắt tay, thay vào đó là cúi chào. Tại đảo quốc mặt trời mọc, việc cúi chào rất phức tạp nhưng cũng cực kì tinh tế. Nhờ đó mà hành động tưởng chừng như một sự khiêm nhường này lại có thể trở thành nghệ thuật văn hóa của con người nơi đây.
Ở Nhật có nhiều kiểu cúi chào nhằm thể hiện sự tôn trọng dưới nhiều hình thức khác nhau. Góc độ cúi thể hiện mức độ tôn trọng mà một người dành cho người đối diện. Kiểu cúi chào đơn giản, gập người khoảng 5 độ thường được sử dụng trong các buổi họp mặt thân mật giữa bạn bè và gia đình. Ngoài ra còn có một số kiểu cúi chào khác như eshaku (会 釈), keirei (敬礼) và saikeirei (最 敬礼).

1. 𝐸𝑠ℎ𝑎𝑘𝑢
Đây là kiểu chào thông dụng nhất ở Nhật. Nó yêu cầu lưng cúi khoảng 15 độ, có trường hợp có thể chỉ cần cúi đầu một chút. Kiểu chào này áp dụng chủ yếu khi tình cờ lướt qua một người quen có vai vế xã hội cao hơn mình. Có lúc, Eshaku được dùng để thể hiện sự cảm kích, thay lời cảm ơn. Tuy nhiên, kiểu chào này được cho là không phù hợp đối với các sự kiện lớn.
2. 𝐾𝑒𝑖𝑟𝑒𝑖
Cách chào này được áp dụng trong các cuộc gặp gỡ đối tác làm ăn như trong doanh nghiệp. Khi chào, cả thân trên cúi xuống khoảng 30 độ. Keirei là một hành động bắt buộc khi bước vào hoặc rời khỏi phòng. Khi gặp gỡ khách hàng, ta cũng áp dụng kiểu cúi chào.
3. 𝑆𝑎𝑖𝑘𝑒𝑖𝑟𝑒𝑖
Đây là cách cúi chào lịch sự và mạnh mẽ nhất. Nó đòi hỏi người thực hiện phải cúi từ 45 độ trở lên. Hành động này được sử dụng thường xuyên khi muốn thể hiện lòng biết ơn rất lớn đối với người khác hoặc để thay cho một lời xin lỗi chân thành. 3 kiểu cúi chào này sẽ được ứng dụng một cách linh hoạt có điều chỉnh theo các tình huống thực tế. Người có vị thế cao hơn luôn chào ở tư thế cao hơn và ngắn hơn, còn có trường hợp không cần chào lại.
Chào là một nghi thức không thể thiếu trong giao tiếp hằng ngày, tưởng chừng như nó rất đơn giản nhưng ở Nhật Bản, bạn phải thật lưu ý và ghi nhớ để sử dụng các cách chào cho phù hợp. Chính bản thân người Nhật cũng cảm thấy sự phiền phức trong cách chào hỏi của mình nhưng họ vẫn sử dụng và lưu truyền cách chào truyền thống này từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Trong giao tiếp quốc tế, người Nhật cũng đã điều chỉnh sao cho phù hợp và giản lược cách chào của họ bằng cách bắt tay.
Phản hồi gần đây